Ngân hàng 9 lần rao bán nợ xấu không thành
Gần đây, nhiều ngân hàng được cho là đang “chật vật” rao bán các khoản nợ xấu. Điển hình là ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ra thông báo bán đấu giá tài sản Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus lần 9. Đây là khoản nợ liên quan tới ông Trương Việt Bình, được biết đến là người sáng lập thương hiệu thời trang NEM. Số dư của khoản nợ tính đến 15/4 năm nay là 498 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 257 tỷ và nợ lãi gần 174 tỷ đồng, phí phạt quá hạn hơn 67 tỷ đồng.
Giá khởi điểm khoản nợ lần này là 257 tỷ đồng, không giảm so với lần rao bán thứ 8. Trước đó, qua mỗi lần rao bán không thành công, BIDV sẽ giảm giá khoảng 10%. Nếu lần này rao bán thành công ở mức giá 257 tỷ đồng, BIDV cũng chỉ thu hồi được nợ gốc, bằng một nửa giá trị khoản nợ.
Hay tại VietinBank đã 6 lần rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Xuất nhập khẩu Cát Tường với mức giá ra bán giảm 20 tỷ đồng so với lần đầu… Cùng với đó, VietinBank Quảng Nam cũng thông báo về việc bán đấu giá tài sản của Công ty Cổ phần Tín Hưng với giá trị tài sản gần 58 tỷ đồng. Tài sản bán đấu giá là Quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất, tài sản gắn liền với đất,…
Còn ngân hàng Vietcombank cũng rao bán hàng loạt tài sản là bất động sản tại Lâm Đồng của Công ty TNHH Việt Trường Sơn. Giá khởi điểm cho lần thứ 10 phát mại là hơn 22,3 tỷ đồng cho 6 lô đất tại TP Đà Lạt, TX Bảo Lộc (Lâm Đồng). Tính đến 30/9, khoản nợ của công ty này tại Vietcombank đã tăng gấp đôi đến 34,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vietcombank chi nhánh Thanh Xuân cũng thông báo phát mại tài sản bảo đảm của công ty cổ phần Phú Tường GSF với giá khởi điểm là hơn 24,5 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là bất động sản diện tích hơn 14.500m2 tại xã Ngọc Hòa huyện Chương Mỹ, Hà Nội gồm 2 nhà xưởng sản xuất.
Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định, áp lực nợ xấu dồn trên vai các ngân hàng trong thời gian này là rất lớn, bằng chứng là hoạt động rao bán nợ xấu diễn ra dồn dập. Trong đó, những khoản nợ có tài sản đảm bảo tốt thì dễ xử lý, còn những khoản nợ quy mô lớn, dù có giảm giá mạnh cũng khó bán vì tính chất phức tạp, đòi hỏi người mua phải có tiềm lực tài chính mạnh mới giải quyết được.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, với nợ xấu, muốn vớt vát phần nào tiền gốc, ngân hàng chỉ còn cách bán tài sản bảo đảm. Nhưng cứ doanh nghiệp nào có nợ xấu cũng bị mang tài sản bảo đảm ra bán thì không còn gọi là hỗ trợ doanh nghiệp nữa. Tuy nhiên, ngân hàng hoạt động theo cơ chế là mượn tiền của dân để cho vay và không thể thiếu một đồng gốc, lãi với người gửi tiền được.
“Các ngân hàng được phép cơ cấu nợ, cơ cấu lãi, giãn hoãn nợ cho khách hàng, nhưng nợ cơ cấu ấy là nợ xấu tiềm ẩn đã được ngân hàng cơ cấu, thì đều là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nợ rất xấu“, ông Hùng đánh giá.
VAMC cũng “bí lối”
Trong 10 tháng đầu năm, VAMC đã mua 1.922 tỷ đồng các khoản nợ theo giá thị trường, chỉ đạt 38,44% kế hoạch năm 2021 (ảnh: Internet)
Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), kể từ tháng 6/2021 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến hoạt động mua bán, xử lý nợ của VAMC không đạt được kết quả cụ thể trong thời gian này. Trong đó có các nguyên nhân lớn như:
Thứ nhất, các tổ chức tín dụng thường ưu tiên bán nợ theo phương thức đấu giá, trước khi xem xét bán nợ cho VAMC theo phương thức thỏa thuận.
Thứ hai, hoạt động mua bán, xử lý nợ giữa VAMC với các tổ chức tín dụng mới chỉ dừng ở mức tiếp cận thông tin, chờ sau khi dịch bệnh được kiểm soát mới tiếp tục thực hiện.
Thứ ba, các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do NHNN ban hành cũng góp phần làm giảm nhu cầu xử lý nợ xấu thông qua việc mua bán nợ với VAMC.
Thứ tư, mặc dù VAMC đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, các khách hàng vay nợ không đảm bảo nguồn thu trả nợ theo dự kiến, dẫn đến hoạt động xử lý nợ xấu cũng đang diễn ra chậm.
Hiện nay, VAMC phải thực hiện rà soát, đánh giá lại phương án kinh doanh, dự án đầu tư của khách hàng, phương án xử lý các khoản nợ đã mua cho phù hợp với tình hình hiện tại. Tính đến thời điểm hiện tại, VAMC đã mua 1.922 tỷ đồng các khoản nợ theo giá thị trường và đạt 38,44% kế hoạch năm 2021. Đáng chú ý, kết quả này thực hiện chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021 khi Việt Nam đang cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Cần giải pháp táo bạo
Từ thực tế trên, trao đổi tại một buổi tọa đàm gần đây, ông Darryl Dong – Chuyên gia tài chính trưởng IFC (tổ chức tài chính quốc tế) cho biết, Việt Nam cần có cải cách táo bạo với giao dịch mua bán nợ xấu, nhất là sự mình bạch trong các chính sách.
Cụ thể, để thu hút nhà đầu tư mua bán nợ xấu nên bỏ yêu cầu cần có sự đồng ý của bên vay (chủ sở hữu tài sản) khi xử lý tài sản đảm bảo; có chính sách ưu đãi khuyến khích giao dịch mua bán nợ xấu… Vị chuyên gia nêu ví dụ tại Philippines, Chính phủ nước này không chỉ có Luật mua bán nợ xấu mà còn có ưu đãi miễn thuế đối với giao dịch mua bán nợ xấu…
“Trên thế giới, 65% tài sản đảm bảo được xử lý thông qua cơ chế đàm phán thương lượng, trong khi đó tại Việt Nam việc thực hiện quyền chủ nợ thông qua pháp lý khó khăn, phức tạp, cồng kềnh tốn kém. Nhất là việc nhà đầu tư mua khoản nợ xấu kèm tài sản phải xin phép, cần sự đồng thuận khách hàng mới thu giữ được tài sản đảm bảo. Điều này khiến cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn chỉ đang quan sát thị trường Việt Nam“, ông Darryl Dong nói.
Về phía VAMC, cơ quan này chia sẻ sẽ tăng cường tìm kiếm các khoản nợ của các tổ chức tín dụng ở khu vực phía Bắc để đàm phán mua nợ từ nay đến cuối năm 2021; rà soát danh sách các khoản nợ đang làm việc với nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã phải tạm thời dừng lại.
Bên cạnh đó, tổ chức đấu giá đồng thời nhiều tài sản trong cùng một thời điểm, tại trụ sở VAMC ở Hà Nội nhằm tận dụng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực hiện có; thực hiện thông báo đấu giá tại cả 2 địa điểm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với những tài sản thực hiện đấu giá tại TP. Hồ Chí Minh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng có nhu cầu tham gia đấu giá. Ngoài ra, tổ chức đấu giá theo thủ tục rút gọn, tập trung đôn đốc, thông báo tới khách hàng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán sau đấu giá và hoàn tất bàn giao hồ sơ tài sản.
Đặc biệt, để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, VAMC sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và áp dụng phương án đấu giá trực tuyến để triển khai trong thời gian tới đối với một số tài sản phù hợp, giúp đảm bảo hoạt động đấu giá được thông suốt.
(Nguồn: Diễm Ngọc – Diễn đàn doanh nghiệp)
Đội ngũ VIETTIMELAND cung cấp những dịch vụ chuyên môn từ nghiên cứu, tư vấn tài chính & đầu tư cho đến dịch vụ môi giới và quản lí bất động sản.
Trụ sở: Số 19, tổ 1 Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Số 536 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0931 938 268
Email: viettimeland.ttt@viettimeland.com.vn - Website: www.viettimeland.com.vn
Giấy phép ĐKDN số 0106566927 được cấp ngày 09/06/2014