Cập nhật thị trường

5 yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ bất động sản dân cư trong năm 2022

Trong báo cáo chiến lược năm 2022 do vừa phát hành, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) đã chỉ ra 5 yếu tố thuận lợi thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ bất động sản dân cư trong năm 2022.

 

5 yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ bất động sản dân cư trong năm 2022

 

Ảnh minh họa.

Mặt bằng lãi suất trên thị trường thấp, lãi suất cho vay mua nhà vẫn ở mức hấp dẫn

Theo ABS, lãi suất huy động trên thị trường vẫn đang được kiểm soát ở mức thấp sẽ hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tiền để mua nhà, kinh doanh bất động sản.

Thêm vào đó, mức lãi suất cho vay mua nhà cũng đang có xu hướng giảm mạnh trên thị trường trong nỗ lực cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại.

Do đó, ABS cho rằng, nhu cầu của người dân vay tiền mua nhà ở của người dân sẽ gia tăng, các hộ gia đình nhiều khả năng sẽ tìm đến các dự án nhà ở, căn hộ có sẵn hoặc sắp ra mắt với nhiều ưu đãi trong năm 2022.

Quy mô dân số và thu nhập của người Việt Nam liên tục gia tăng, trong đó tâm điểm là thành thị

Dân số Việt Nam ngày một tăng với cơ cấu người trẻ lớn, do đó, theo ABS, nhu cầu về nhà ở cũng tăng tiến theo, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Điều này phần nào có lợi cho các chủ đầu tư các khu đô thị tại các thành phố lớn và các khu vệ tinh lân cận như Hưng Yên, Cần Giờ, Long An…

Mặt khác, theo ABS, thu nhập của người dân tại 2 khu vực đô thị cũng có xu hướng cải thiện theo, trong đó nhóm thu nhập trung bình – khá giá cũng dần chiếm tỉ trọng lớn hơn, nhóm 1 và 2 có cơ cấu ngày một thu hẹp.

Vì vậy, ABS cho rằng, sức hấp thu của nền kinh tế với các sản phẩm nhà ở vẫn vô cùng khả quan trong thời gian tới.

Một số các nút thắt về mặt pháp lý được giải quyết có lợi cho người mua nhà

Đó là người mua nhà được đăng ký thường trú ngay sau khi mua tại 63 tỉnh thành.

Khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 thì người dân chỉ cần mua nhà và nhà đó thuộc sở hữu hợp pháp của mình, không thuộc địa điểm không được đăng ký thường trú là có thể làm thủ tục đăng ký thường trú.

Ngoài ra, Thông tư 21/2019/TT-BXD cung cấp quy chuẩn quốc gia về Nhà chung cư, có hiệu lực từ 1/7/2021 quy định diện tích tối thiểu căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25 m2, góp phần đảm bảo chất lượng căn cho người mua nhà.

Đầu tư công được đẩy mạnh sẽ cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, giúp các dự án bất động sản ngày càng hấp dẫn

Trong thời gian tới, Chính phủ dự kiến triển khai gói hỗ trợ, kích thích kinh tế quy mô lớn trị giá 350.000 tỷ đồng cho kế hoạch phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 – 2023.

Chương trình phục hồi và phát triển hậu Covid-19 được tập trung vào 4 yếu tố chính: mở cửa lại nền kinh tế gắn liền với ứng phó an toàn với đại dịch, đảm bảo phúc lợi xã hội và tạo công ăn việc làm cho người dân, đẩy mạnh phục hồi các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng.

Gói hỗ trợ kinh tế này sẽ thúc đẩy đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng, sẽ là tiền đề và động lực tăng trưởng chính cho thị trường bất động sản thời gian tới.

Bên cạnh đó, Quốc Hội vừa thông qua gói đầu tư trị giá 147.000 tỷ đồng để làm 729 km cao tốc Bắc – Nam. Dự án có tổng chiều dài 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công.

Ngoài ra, các dự án có tác động tích cực tới thị trường bất động sản, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021 và trong năm 2022 như: Tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội; cầu Thủ Thiêm 2; Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Các dự án này sẽ góp phần thúc đẩy nguồn cầu tại nhiều vị trí mới, làm giảm nhiệt tại các khu vực trung tâm chật hẹp.

Triển vọng bất động sản tại 2 thành phố lớn: Hà Nội và TP HCM có dấu hiệu tích cực trong giai đoạn tới

Tại thị trường phía Nam, theo CBRE, trong năm 2022, nguồn cung căn hộ mới tại TP Hồ Chí Minh sẽ phục hồi 70% so với cùng kỳ, đạt mức 22.000 căn hộ và trong năm 2023 sẽ tăng thêm 56% so với cùng kỳ, đạt 34.000 căn hộ. Trong đó, phân khúc trung cấp tăng trở lại, chiếm 30 – 50% tổng nguồn cung căn hộ.

Nhờ việc mở rộng đường cao tốc đến khu vực phía Tây và ven biển với các dự án hạ tầng đang triển khai như cao tốc Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Phan Thiết, sân bay Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, giá đất tại các khu vực lân cận HCM dự báo sẽ tăng ấn tượng trong năm 2022.

Việc chuyển các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ lên quận, cùng với việc đề xuất thành lập thành phố Tây Bắc gồm Củ Chi và Hóc Môn sẽ tiếp tục thúc đẩy giá đất tại các khu vực này tăng lên trong thời gian tới.

Tại thị trường phía Bắc, CBRE cho biết, trong năm 2022, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội dự kiến tăng khoảng 40% so với cùng kỳ, đạt mức 25.600 căn hộ và trong năm 2023 sẽ đạt mức 36.100 căn, chủ yếu đến từ phía Tây và Đông Hà Nội. Tỷ lệ hấp thụ tại thủ đô được kỳ vọng đạt mức 90 – 100% trong giai đoạn 2022 – 2023, tương đương với khoảng 27.000 – 32.000 căn hộ được tiêu thụ trong vòng 1 năm.

Theo CBRE, nguồn cung nhà liền thổ trong năm 2022 dự kiến sẽ giảm khoảng 40% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.500 căn do sự đóng góp từ Vinhomes ít đi so với các năm trước. Cũng theo CBRE, nguồn cung thị trường bất động sản tại Hưng Yên cùng bùng nổ trong năm 2021, dự kiến có thể đạt tới 2.500 căn hộ trong năm này, cao hơn nguồn cung tại Hà Nội 16.8% nhờ sự đóng góp từ các khu đô thị lớn. Đối với thị trường nhà đất, dự kiến giá đất tại khu vực ngoại thành Hà Nội sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 nhờ việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã đi vào hoạt động từ tháng 11 năm 2021 sẽ thúc đẩy giá đất tại các khu vực như Hà Đông, Đống Đa.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ABS cũng chỉ ra một số thách thức đối với thị trường bất động sản dân cư như giá nguyên vật liệu gia tăng gây ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản và tốc độ bàn giao sản phẩm; Rủi ro dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng làm ảnh hưởng đến tốc độ bàn giao.; Thu nhập của người dân trong giai đoạn dịch bệnh sắp tới có thể chịu tác động mạnh nếu dịch bệnh kéo dài.

Ngoài ra, còn có rủi ro bong bóng tài sản từ hoạt động đầu cơ và rủi ro nợ xấu từ vay mua bất động sản cũng có thể khiến Ngân hàng Nhà nước đưa ra các chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động cho vay mua nhà, làm giảm nguồn cầu. Mới đây, Chính phủ đã có những động thái siết chặt bằng việc ban hành Nghị định 02/2022/NĐ-CP. Theo đó, kể từ ngày 1/3/2022, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp), trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng vẫn phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản dân cư giảm so với cùng kỳ do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 khiến việc giãn cách xã hội kéo dài, các ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng hàng ngày ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao các dự án và kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản. Doanh thu quý 3 của các doanh nghiệp bất động sản hầu hết ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm trước, tiến độ thực hiện kế hoạch năm 2021 cũng bị đình trệ.

 

Nguồn: Cafeland

Trở lại mục
Cập nhật thị trường
Cập nhật thị trường

Các bài viết đề xuất

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ VIETTIME

Trụ sở: Số 19, tổ 1 Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Số 536 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0931 938 268
Email: viettimeland.ttt@viettimeland.com.vn - Website: www.viettimeland.com.vn
Giấy phép ĐKDN số 0106566927 được cấp ngày 09/06/2014