Người nghèo chịu thiệt
Không phải đến bây giờ, việc xây dựng luật Thuế tài sản mới được đề cập, mà trong 10 năm qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần nghiên cứu sắc thuế này. Thậm chí, năm 2018, dự thảo luật Thuế tài sản đã được hoàn thiện, nhưng chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội bởi có nhiều ý kiến phản đối. Việc đưa ra luật thuế mới này ở thời điểm hiện tại, theo nhiều chuyên gia là chưa phù hợp.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, phân tích: Việc đánh thuế tài sản được nhiều nước áp dụng và có hiệu quả nhất định. VN cần nghiên cứu để triển khai phù hợp nhưng không phải lúc này. Bởi để áp dụng đánh thuế tài sản vào nhà thứ 2, thứ 3, cần phải công khai minh bạch được nguồn tài sản đó từ đâu mà có, xuất xứ đâu, thu nhập thế nào… Khi chúng ta chưa kiểm soát được nguồn tài sản cũng như thu nhập không được công khai minh bạch như hiện nay thì việc đánh thuế đó sẽ không chính xác, hoặc đánh thiếu, thừa không đúng đối tượng. Hơn nữa, thuế tài sản liên quan loạt các sắc thuế khác, đặc biệt liên quan thu nhập người dân.
Nguồn cung nhà ở, nhất là phân khúc bình dân, hiện chỉ mới đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu. Ảnh: ĐÌNH SƠN
“Nguyên tắc khi thu nhập tăng, người dân có quyền sở hữu mua sắm tài sản riêng cho bản thân, gia đình ở mức giá trị nào đó, tại sao lại đánh thuế họ khi tích lũy được căn nhà thứ 2 từ thu nhập tăng? Vì vậy, thuế tài sản phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, gộp hay bỏ các loại thuế hiện có cũng như hình thức thuế tài sản là thuế sử dụng đất, thuế đất phi nông nghiệp…”, ông Thịnh đặt câu hỏi và lấy ví dụ: Một gia đình có 4 người ở 1 căn nhà 400 m2, với gia đình cũng 4 người nhưng có 2 căn hộ, tổng diện tích 2 căn hộ chỉ 100 m2 trong đó một căn 50 m2. Họ chấp nhận sống chật chội để căn còn lại cho thuê lấy tiền chi tiêu hằng tháng. Khi cho thuê nhà, người dân cũng đã đóng thuế thu nhập. Vậy có đánh thuế căn hộ thứ 2 của gia đình họ không? Nếu so với gia đình có căn biệt thự 400 m2 hay 1.000 m2 thì gia đình có căn hộ thứ 2 đang cho thuê có giàu hơn không?
Với lập luận này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất, VN chỉ có thể quay trở lại đề tài thu thuế tài sản khi công khai minh bạch thu nhập, mua bán tài sản lớn phải qua ngân hàng, chứng minh được nguồn gốc thu nhập tài sản đó… Việc vội vã đánh thuế tài sản lúc này sẽ gây nên hệ lụy như làm chững lại thị trường bất động sản (BĐS) đang chật vật hồi sinh sau 2 năm đại dịch. Người dân vừa trải qua 2 năm đại dịch Covid-19, chi tiêu mọi gia đình đang tăng quá nhanh, trong khi thu nhập giảm sút, việc đánh thuế này làm xáo trộn lòng dân, đặc biệt với đối tượng thu nhập giảm sút.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế – TS Cấn Văn Lực nhận định đánh thuế tài sản là xu hướng chung nhưng chỉ thực hiện được khi có đủ các điều kiện cần. Đó là khi VN có cơ sở dữ liệu về thị trường BĐS tương đối tốt. Các số liệu thông tin được công khai, minh bạch và được cập nhật, liên thông giữa các bộ ngành chứ không phải mỗi nơi một kiểu, bất cập như hiện nay. Từ đó mới có thể xây dựng quy định chi tiết để thực hiện đánh thuế như thế nào là căn nhà thứ 2, thứ 3… Nhưng quan trọng hơn, vị chuyên gia này nhấn mạnh khi đưa ra một sắc thuế mới phải có tính lộ trình thực hiện phù hợp với tình hình kinh tế xã hội. Sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, tất cả người dân đều bị tác động nặng nề, thu nhập sụt giảm. Chính phủ đã áp dụng nhiều chính sách giảm thuế, phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nên không thể lại gia tăng thêm mức thuế mới trong lúc này là đi ngược với mục tiêu hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.
“Tôi cho rằng lúc này các bộ ngành cần đẩy mạnh thực hiện quyết liệt ngay một số vấn đề liên quan như điều chỉnh phương pháp định giá đất để sát với thị trường hơn. Hay bắt buộc các giao dịch BĐS đều phải qua ngân hàng để chống thất thu thuế, góp phần tăng hoạt động thanh toán không tiền mặt cũng như hạn chế rủi ro trong giao dịch cho người dân. Song song tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường BĐS để làm căn cứ cho nhiều chính sách khác, trong đó có cả thuế tài sản sau này”, TS Cấn Văn Lực nói.
Đang kích cầu, sao lại đánh thêm thuế mới?
Một trong những mục tiêu đưa ra xây dựng thuế tài sản được cơ quan quản lý cho rằng nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ BĐS. Tuy nhiên, theo ước tính, nguồn cung nhà ở, nhất là phân khúc bình dân hiện chỉ mới đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu của người dân. Đồng thời, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại VN mới đạt 23,2 m2/người, thấp hơn mức trung bình 25 m2/người của thế giới. Vì vậy, theo phân tích của luật sư Trương Thanh Đức, không có cơ sở để cho rằng đánh thuế này thì sẽ giảm giá BĐS. Vì giá nhà đất ở phải do cung cầu thị trường quyết định, thuế này ảnh hưởng rất ít. Thậm chí, đánh thuế tài sản sẽ làm tăng giá nhà đất. Bởi nguồn cung về nhà đất ở tại các thành phố hiện nay cũng như trong tương lai gần vẫn đang thiếu hụt so với nhu cầu, nên sẽ nghiêng về xu hướng tăng giá. Đồng thời, do ảnh hưởng của việc thu thuế, nên cộng hưởng trực tiếp, gián tiếp qua lại sẽ tác động vào việc làm đội chi phí, giá thành và giá mua bán nhà đất. Không chỉ thế, do ảnh hưởng tâm lý, người bán, nhất là trường hợp bị đánh thuế cao mua đi, bán lại, sẽ có xu hướng giữ lại hoặc tăng giá bán nhiều hơn. Như vậy người có nhu cầu mua ở lại phải gánh hậu quả khi chịu thêm khoản thuế mới này.
GS Hà Tôn Vinh, chuyên gia tư vấn tài chính kinh tế, cũng nhận định nguyên tắc đã là tài sản phải chịu thuế. Vấn đề xem giá nhà đất VN đang tăng có phải lý do chính là đầu cơ không và mức thuế bao nhiêu hợp lý. Tại Mỹ, thuế tài sản được đánh vào ngôi nhà thứ 2 cao hơn nhà thứ nhất và nhà thứ 3 cao hơn nhà thứ 2. Với đời sống của người Việt, nhà thứ 2 mới chỉ gọi là đầu tư, cái thứ 3 mới có thể nói là đầu cơ. Nhưng thị trường sẽ tự thanh lọc, nên ngay cả đánh thuế vào nhà thứ 3 lúc này cũng chưa chắc giảm nạn đầu cơ như kỳ vọng.
Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh: Đầu cơ là bản chất của thị trường, cung cầu và chênh lệch giá bất hợp lý sẽ có hiện tượng đầu cơ. Việc đánh thuế tài sản sẽ ảnh hưởng nhiều đến người dân thu nhập trung bình thấp, nhất là khiến cơ hội sở hữu nhà của nhiều người còn xa vời hơn vì điều đó góp phần làm tăng giá các tài sản này. “Hiện nay không lý gì Chính phủ đang áp dụng một loạt chính sách kích cầu, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, miễn giảm lãi suất, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… mà lại đánh thêm một loại thuế mới”, ông nói.
Nguồn: Cafeland
Đội ngũ VIETTIMELAND cung cấp những dịch vụ chuyên môn từ nghiên cứu, tư vấn tài chính & đầu tư cho đến dịch vụ môi giới và quản lí bất động sản.
Trụ sở: Số 19, tổ 1 Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Số 536 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0931 938 268
Email: viettimeland.ttt@viettimeland.com.vn - Website: www.viettimeland.com.vn
Giấy phép ĐKDN số 0106566927 được cấp ngày 09/06/2014