Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 23/3, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Từ Sơn Nguyễn Thế Tuấn và ông Phạm Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến dự án đấu giá đất trên địa bàn phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn.
Những tháng đầu năm 2022, tại một số địa phương, nhiều cán bộ liên quan đến sai phạm đất đai đã bị cơ quan chức năng lôi ra ánh sáng.
Đáng lo ngại hơn khi các sai phạm đất đai không chỉ ở cán bộ cao cấp của địa phương mà còn liên quan đến cán bộ cấp huyện, cấp cơ sở…
Từ đây, cũng đặt ra dấu hỏi phải chăng có kẽ hở luật pháp, khiến các cán bộ lợi dụng để vi phạm?
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) đã chia sẻ một số quan điểm dưới góc độ pháp lý.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhận định, trong những năm qua cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử lý nhiều cán bộ vi phạm về quản lý đất đai. Những hành vi vi phạm thường xảy ra là giao đất không đúng đối tượng, cho chuyển mục đích sử dụng đất trái phép dẫn đến thiệt hại cho nhà nước, quản lý đất công không cho chẽ dẫn đến thất thoát, vi phạm trong đấu giá đất.
Trong đó chủ yếu là xác định không đúng giá khởi điểm, có sự thông đồng, cấu kết với nhau để giao đất cho những đối tượng thân hữu với giá rẻ, làm thất thoát tài sản nhà nước…
Quá trình quản lý công sản, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng xảy ra nhiều sai phạm, nhiều khu đất công đã bị hạ giá để giao cho các doanh nghiệp “sân sau” nhằm phục vụ lợi ích nhóm, gây thất thoát tài sản của nhà nước.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc nhiều cán bộ đã vi phạm quy định về quản lý đất đai như vi phạm về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất gây thiệt hại lớn đến tài sản của nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân.
Đó là những người có chức vụ quyền hạn, thay mặt nhà nước quyết định việc sử dụng có hiệu quả đất đai. Nếu những người này thiếu trách nhiệm, không đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên lợi ích cá nhân thì họ có thể làm sai, vi phạm để được hưởng lợi.
Hay trong trường hợp giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì người sử dụng đất luôn tìm cách tiếp cận với người có thẩm quyền để tác động nhằm được sử dụng đất với giá rẻ.
“Những cám dỗ về vật chất đã khiến nhiều cán bộ suy thoái, sa ngã, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, gây thất thoát tài sản của nhà nước”, luật sư Cường nói.
Bên cạnh đó, còn có một số trường hợp cán bộ yếu kém trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức về pháp luật hạn chế, thêm vào đó là thiếu sự quản lý giám sát, đôi khi đó là sự lạm quyền khi họ cho rằng mình làm đúng.
Theo luật sư Cường, cơ chế kiểm tra, giám sát trong quá trình quản lý đất đai còn chưa chặt chẽ dẫn đến việc trao quyền quá lớn cho các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý đất đai.
Những tài sản của giá trị rất lớn này thuộc quyền quyết định của một vài cá nhân, nếu các cá nhân suy thoái đạo đức, sa ngã thì rất dễ dẫn đến hiện tượng lạm quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn để vun vén lợi ích cá nhân.
Bên cạnh đó, quy trình thủ tục về giao đất, cho thuê đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đấtVẫn còn thiếu chặt chẽ, đôi khi còn mâu thuẫn chồng chéo dẫn đến hiện tượng lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Cụ thể, các văn bản pháp luật như luật đất đai, luật nhà ở, luật xây dựng, luật đầu tư, luật kinh doanh bất động sản vẫn còn những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo khiến nhiều đối tượng lợi dụng để trục lợi.
Vì vậy, để giảm thiểu những vi phạm trong quản lý sử dụng đất thì cần thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp.
Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật về đất đai để tăng cường công tác quản lý, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đặc biệt là trách nhiệm trong việc giám sát, phát hiện và xử lý sai phạm.
Kịp thời sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tạo ra một hành lang pháp lý chặt chẽ, ổn định nhằm quản lý sử dụng đất đai có hiệu quả, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội.
Cần làm tốt hơn nữa trong công tác cán bộ, đặc biệt là khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, bồi dưỡng cán bộ để những cán bộ có chức trách nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý đất đai có đủ trình độ năng lực, phẩm chất, có trách nhiệm cao trong việc quản lý tài sản công.
Tăng cường cơ chế quản lý, giám sát để kịp thời phát hiện ra những sai phạm để ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Theo luật sư Cường, việc đưa quyền sử dụng đất vào đấu giá là một bước tiến trong hoạt động giao, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thông qua đó, góp phần làm giảm đầu cơ đất đai, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể tham gia đấu giá, huy động tối đa nguồn vốn cho ngân sách.
Điều 117 Luật Đất đai 2013 quy định rõ 7 nguyên tắc của việc đấu giá quyền sử dụng đất, bao gồm: Công khai, khách quan, liên tục, bình đẳng, trung thực, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên và đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai, đấu giá tài sản.
Căn cứ Khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2013, có 8 trường hợp được tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất như đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê mua hoặc cho thuê; sử dụng đất thương mại, dịch vụ, đất sản xuất phi nông nghiệp; sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; đối với đất mà cá nhân, hộ gia đình được giao để ở tại nông thôn, đô thị…
Pháp luật quy định, đất được giao không thu tiền sử dụng hoặc đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì không cần đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, nếu sử dụng đất trong các trường hợp như đất được sử dụng với mục đích khai thác khoáng sản; đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ, nhà ở xã hội…
Đơn vị có quyền tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay như tổ chức phát triển quỹ đất, Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất trong trường đặc biệt để thực hiện bán đấu giá đất do Uỷ ban nhân dân các cấp quyết định thành lập, các đơn vị thực hiện cuộc đấu giá quyền sử dụng đất có chức năng bán đấu giá tài sản theo quy định về đấu giá tài sản.
Nguồn: Cafeland
Đội ngũ VIETTIMELAND cung cấp những dịch vụ chuyên môn từ nghiên cứu, tư vấn tài chính & đầu tư cho đến dịch vụ môi giới và quản lí bất động sản.
Trụ sở: Số 19, tổ 1 Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Số 536 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0931 938 268
Email: viettimeland.ttt@viettimeland.com.vn - Website: www.viettimeland.com.vn
Giấy phép ĐKDN số 0106566927 được cấp ngày 09/06/2014