Sáng 25/4, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố. Đây là phiên giải trình đầu tiên của Thường trực HĐND Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Công viên Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai) xuống cấp. (ảnh minh hoạ)
Tại phiên giải trình phản ánh, một số khu chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố hiện chưa bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng, đại biểu đề nghị thành phố nêu lộ trình giải quyết.
Theo giải trình của Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, toàn thành phố có 187 nhà chung cư tái định cư, 3 đơn vị quản lý nhà quản lý. Sở Xây dựng và các quận, huyện rà soát, có 81 nhà có thiết kế nhà sinh hoạt cộng đồng (70 tòa nhà bố trí và bàn giao Ban quản trị sử dụng, 11 tòa nhà chưa thành lập Ban quản trị), 94 tòa nhà không có diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng.
Đã rà soát bố trí, chuyển đổi công năng kinh doanh dịch vụ sang sử dụng vào mục đích sinh hoạt cộng đồng với 73 tòa nhà đã hoàn thành; 8 tòa nhà đang được rà soát và thực hiện chuyển đổi, chậm nhất trong quý IV-2022 báo cáo UBND thành phố.
Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố 4 giải pháp cho công tác này. Theo đó, tòa nhà chưa có Ban quản trị, sẽ đề nghị các quận khẩn trương tổ chức hội nghị, tăng cường kiểm tra, xử lý diện tích sử dụng không đúng quy định; 8 tòa nhà chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng sẽ trình thành phố cho phép chuyển đổi công năng; 19 tòa nhà chuyển đổi công năng sẽ được khẩn trương sửa chữa, bàn giao địa phương khai thác, hoàn thành trong tháng 1/2023; 13 tòa nhà không có diện tích chuyển đổi công năng, đề nghị các quận rà soát bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa phường gần nhất.
Làm rõ thêm các vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã tăng thêm 60 nhà văn hóa cấp xã, 508 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Hiện còn thiếu 40 nhà văn hóa, trong đó, 23 nhà văn hóa vướng mắc chưa có địa điểm triển khai, 17 nhà văn hóa chưa có thủ tục bố trí vốn để triển khai dự án.
Ông Chử Xuân Dũng cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy các kết quả đạt được, tập trung thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở; rà soát cập nhật quy hoạch văn hóa Hà Nội vào Quy hoạch chung của thành phố. Tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố.
Về tình trạng Vườn hoa Ngọc Lâm (quận Long Biên) xuống cấp; Công viên Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đã được quận cải tạo nhưng đến nay công viên không hoạt động, nhiều hạng mục bị lấn chiếm. Trung tâm văn hóa thông tin quận Nam Từ Liêm chưa được đầu tư, sử dụng sai mục đích… các đơn vị liên quan đã có giải trình tại cuộc họp.
Đối với Vườn hoa Ngọc Lâm, đại diện UBND quận Long Biên cho hay, năm 2016, theo phân cấp dự án này được thành phố giao Sở Xây dựng quản lý. Khi có điều chỉnh phân cấp, UBND quận tiếp nhận từ Sở Xây dựng và các đơn vị từ tháng 1/2022. Ngay sau đó, quận đã đưa dự án vào cải tạo chỉnh trang để tháng 6/2022, trình HĐND quận. Dự án sẽ được quận cải tạo lại toàn bộ vào quý I-2023 để phục vụ nhân dân. UBND quận cũng đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quận cùng UBND phường Ngọc Lâm xử lý các vấn đề tồn tại xong trước ngày 30/4.
Về dự án Công viên Bắc Linh Đàm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, công viên có diện tích hơn 48.000 m2. Tháng 1-2022, quận nhận bàn giao tiếp nhận hơn 18.000 m2 từ Sở Xây dựng; Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) quản lý diện tích còn lại, trong đó có nhiều công trình dịch vụ.
Lãnh đạo quận Hoàng Mai, thừa nhận Công viên Bắc Linh Đàm việc quản lý cũng chưa rốt ráo. Ngay sáng mai (26/4), UBND quận sẽ làm việc với Tổng công ty HUD về đầu tư cải tạo bảo đảm sáng, xanh, sạch, đẹp, đồng thời giao các phường ra quân xử lý vi phạm.
Về dự án Trung tâm Văn hóa – Thông tin quận Nam Từ Liêm tại phường Xuân Phương, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường giải thích, các thiết chế văn hóa cấp phường và tổ dân phố trên địa bàn quận đã hoàn thành. Đối với diện tích sử dụng sai mục đích, quận đã cho tạm dừng hoạt động sân bóng, trong tháng 10 tới sẽ xử lý triệt để điểm rửa xe.
20 năm công viên chưa triển khai vì vướng mắc giải phóng mặt bằng
Một loạt các công trình văn hóa cấp quận, phường chậm tiến độ được các đại biểu quan tâm đề nghị giải trình. Cụ thể, “Dự án Công viên văn hóa thể thao quận Đống Đa” được phê duyệt từ 2001, đến nay hơn 20 năm vẫn chậm triển khai.
Công trình nhà ở xây dựng trái phép trên đất dự án quy hoạch làm Công viên Đống Đa
Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định, dự án công viên Đống Đa có từ năm 1998, có quyết định thu hồi đất tại 3 phường, trong quá trình giải phóng mặt bằng đã triển khai được 132 hộ với diện tích trên 9.000 m2 và khoảng 10.000 m2 tại khu bãi đất lấn chiếm. Sau khi giải phóng mặt bằng, quận đã sử dụng một một phần đất xây trạm điện, sân bóng, trường học…
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh bổ sung thông tin, Dự án Công viên văn hóa Đống Đa đã có khoảng 20 năm nhưng chưa triển khai. Về bản chất có thể thấy, khó khăn, vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Với quỹ đất 8,5ha của giai đoạn 1 của Công viên văn hóa Đống Đa, song việc giải phóng mặt bằng mới triển khai được 1,9ha, đây là vướng mắc lớn giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai vừa qua.
“Riêng vấn đề giải phóng mặt bằng, tới đây, quận Đống Đa và quận Ba Đình cần có pháp lý đối với các hộ dân sử dụng đất hiện nay đang trong khu vực công viên để Sở có rà soát về ranh giới mới. Sở Quy hoạch và Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng sẽ có kiến nghị với thành phố về ranh giới mới của dự án”, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết thêm./.
Nguồn: Cafeland
Đội ngũ VIETTIMELAND cung cấp những dịch vụ chuyên môn từ nghiên cứu, tư vấn tài chính & đầu tư cho đến dịch vụ môi giới và quản lí bất động sản.
Trụ sở: Số 19, tổ 1 Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Số 536 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0931 938 268
Email: viettimeland.ttt@viettimeland.com.vn - Website: www.viettimeland.com.vn
Giấy phép ĐKDN số 0106566927 được cấp ngày 09/06/2014