Khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đồng loạt tăng lãi suất để chống lại lạm phát, giá nhà dần hạ nhiệt. Xu hướng này được dự báo sẽ diễn ra trong suốt năm 2022 ở nhiều quốc gia.
Nhiều người mua đầu tiên cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời để bước chân vào thị trường và sở hữu ngôi nhà của riêng mình. Giá nhà giảm giúp họ chỉ phải trả trước ít hơn và vay các khoản thế chấp nhỏ hơn. Tuy vậy, mặt trái là lãi suất tăng khiến khả năng đi vay bị hạn chế và việc thanh toán khoản vay trở nên đắt đỏ hơn.
Tại Việt Nam, Ngân hàng nhà nước đã 3 lần điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Cuối năm 2021, bình quân lãi suất cho vay dao động ở mức 5%/năm, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Hiện nay, các ngân hàng vẫn duy trì lãi suất cho vay ở mức ổn định, bao gồm cả cho vay mua nhà trong thời hạn 25-30 năm. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi đã phát tín hiệu tăng dần từ đầu năm đến nay, do đó lãi suất cho vay cũng có thể sẽ tăng theo.
Trong bối cảnh đại dịch kéo dài suốt hai năm vừa qua và nhiều lần giá nhà lên xuống thất thường, thu nhập và các tính toán của người mua nhà đều bị thay đổi một cách chóng mặt. Khi thu nhập bị ảnh hưởng do kinh tế suy thoái, khoản tiền tiết kiệm để mua nhà hoặc thanh toán thế chấp hàng tháng cũng giảm theo. Do vậy, lãi suất tăng khiến nhiều người có ý định mua nhà băn khoăn, còn những người đã mua nhà thì lo lắng bởi khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính ban đầu.
Một vấn đề nữa là giá nhà giảm nhưng vẫn ở mức cao so với thu nhập của người dân. Theo nhận định của Thứ trưởng Lê Quang Hùng tại phiên họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng diễn ra vào chiều ngày 13/06 tại Hà Nội, thị trường đã hạ nhiệt tại nhiều nơi so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giá vẫn ở mức cao. Điều này khiến những người có mức thu nhập thấp và trung bình khó có thể sở hữu nhà ở hoặc tiếp cận vốn tín dụng để vay mua nhà.
Giá nhà giảm và lãi suất tăng cũng khiến nhiều nhà đầu tư lâm vào tình cảnh khốn đốn, buộc phải “xả hàng” để cắt lỗ, nhất là với các sản phẩm như bất động sản nghỉ dưỡng, căn hộ chung cư và đất nền. Hệ quả là, thị trường sẽ trở nên ngày càng ảm đạm và tăng lượng hàng tồn kho, đặc biệt là các phân khúc cao cấp.
Theo báo cáo, giá bất động sản tại Việt Nam đang chững lại và tính thanh khoản của toàn toàn thị trường đang giảm dần. Nhiều khu vực từng là điểm nóng về bất động sản trong năm 2020 – 2021 đang chứng kiến giá cả đi ngang hoặc xuống thấp.
Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, các sản phẩm bất động sản để bán trong tháng 05/2022 ghi nhận xu hướng gia tăng nguồn cung nhưng giảm nhu cầu tìm kiếm so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tin rao bán toàn quốc tăng 14%, trong khi mức độ quan tâm giảm 11%.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng chính phủ có các giải pháp tháo gỡ về chính sách để bình ổn thị trường, hỗ trợ cho vay với người mua nhà để ở và mua nhà lần đầu, giúp họ an cư lạc nghiệp, có việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung.
Nguồn: Cafeland
Đội ngũ VIETTIMELAND cung cấp những dịch vụ chuyên môn từ nghiên cứu, tư vấn tài chính & đầu tư cho đến dịch vụ môi giới và quản lí bất động sản.
Trụ sở: Số 19, tổ 1 Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Số 536 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0931 938 268
Email: viettimeland.ttt@viettimeland.com.vn - Website: www.viettimeland.com.vn
Giấy phép ĐKDN số 0106566927 được cấp ngày 09/06/2014