Nhiều cơ hội đặt ra cho thị trường bất động sản 2022, song theo các chuyên gia, không phải ai cũng có thể nắm bắt.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế, nhiều người muốn tìm kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền đã tìm đến bất động sản để đầu tư.
Tuy nhiên, đứng trước tình hình giá nhà đất tăng cao, sốt đất diễn ra liên tục ở nhiều nơi, vẫn còn những băn khoăn cho phân khúc này. Liệu cơ hội có đến với những nhà đầu tư “tay mơ” mới tham gia thị trường hoặc vốn mỏng?
Anh Nguyễn Minh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, dịch bệnh hai năm qua khiến những kênh kiếm tiền của gia đình anh bị thắt chặt.
Vì muốn có thêm “khoản ra vào” khi kinh tế khó khăn, vợ chồng anh định bỏ hết số tiền tiết kiệm để mua đất. Tuy nhiên, giá đất Hà Nội kể cả vùng ven đã chạm ngưỡng quá cao khiến anh Minh chùn bước.
Sau đó, gia đình anh có ý định tìm về các thị trường tỉnh lẻ ở xa nhưng lại lo lắng không hiểu thị trường, không cập nhật được giá cả.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc enCity, đã chỉ ra 4 cơ hội cho thị trường bất động sản hiện nay.
Thứ nhất, bất động sản công nghiệp vẫn đang nóng trên thị trường Việt Nam. Đây là xu hướng lâu dài do có sự chuyển dịch từ Trung Quốc và cơ sở hạ tầng Việt Nam đang ngày càng phát triển, lực lượng lao động dồi dào.
Thứ hai, đầu tư công về hạ tầng giao thông như Vành đai 4 sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản.
Thứ ba, pháp lý mở cơ hội để tái thiết đô thị với 2.000 chung cư cũ cần được cải tạo ở Hà Nội và TP.HCM tương tương với 500ha quỹ đất. Như vậy, chúng ta đang có các quỹ đất ngay trong lòng thành phố lớn.
Cuối cùng, theo ông Dũng, đại dịch tạo nên nhu cầu sống xanh khi có tới 61% người có nhu cầu sống gần không gian xanh và có sân vườn, 45% muốn chuyển ra ngoại ô và các khu vực ít đông đúc hơn. Đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bất động sản đi theo xu hướng này.
Tuy nhiên, theo GS. TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thị trường bất động sản năm 2022 có nhiều cơ hội song không phải ai cũng nắm bắt được. Điều đó chỉ phụ thuộc vào những doanh nghiệp chuyên nghiệp, nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Ông Cường cho rằng khủng hoảng từ dịch Covid-19 mang lại bất lợi cho thị trường bất động sản, nhưng cũng để chúng ta nhận ra rằng, bất động sản càng phải phát triển lành mạnh và bền vững. Với các dự án quy mô lớn, của các doanh nghiệp có uy tín thì càng có nhiều cơ hội.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng ngoài xung lực quan trọng là nền kinh tế phục hồi thì các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; tăng chi đầu tư phát triển; hỗ trợ lãi suất các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… cũng tạo điều kiện và thúc đẩy thị trường bất động sản sôi động trở lại.
Giới chuyên gia cũng cho rằng trong bối cảnh lạm phát gia tăng, biến động giá vàng thì đầu tư bất động sản được xem là kênh trú ẩn an toàn. Chính lạm phát sẽ đẩy giá nhà đất tăng thêm, là cơ hội cho những nhà đầu tư biết nắm bắt thị trường và cân đối bài toán tài chính hợp lý.
TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đánh giá chúng ta đang trong tình thế bất lợi của các tác động kép khi dịch bệnh chưa qua, chiến tranh đã tới. Rủi ro kép tăng lên kể cả trên hai phương diện về pháp lý và rủi ro về thị trường.
Trong khi đó, hệ thống pháp luật về đất đai và bất động sản đang là điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông Lộc, việc sửa 8 luật liên quan đến đầu tư xây dựng vừa qua thực tế cũng chỉ như “muối bỏ biển” chưa giải quyết được gì nhiều cho các điểm nghẽn liên quan đến thị trường bất động sản như hiện nay.
Do vậy, để giải quyết được vấn đề này cần giải pháp kép. Theo đó, mở cửa – không đơn thuần là mở cửa thị trường mà là mở trong thể chế.
“Nên thúc đẩy cải cách thể chế, giải phóng mọi nguồn lực, phá bỏ mọi rào cản để phát huy được tinh thần doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình kinh doanh. Đây là yêu cầu quan trọng nhất ngay trong bối cảnh hiện nay”, ông Lộc nhấn mạnh.
Nguồn: Cafeland
Đội ngũ VIETTIMELAND cung cấp những dịch vụ chuyên môn từ nghiên cứu, tư vấn tài chính & đầu tư cho đến dịch vụ môi giới và quản lí bất động sản.
Trụ sở: Số 19, tổ 1 Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Số 536 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0931 938 268
Email: viettimeland.ttt@viettimeland.com.vn - Website: www.viettimeland.com.vn
Giấy phép ĐKDN số 0106566927 được cấp ngày 09/06/2014