Cập nhật thị trường

Doanh nghiệp, nhà đầu tư địa ốc quay về phố lớn

Thay vì “đánh bắt xa bờ” như trước, thì các doanh nghiệp bất động sản đang quay trở lại thành phố để phát triển dự án. Nhà đầu tư cũng có xu hướng tìm mua dự án tại khu vực trung tâm, hạn chế sử dụng đòn bẩy từ việc vay ngân hàng.

 

Doanh nghiệp, nhà đầu tư địa ốc quay về phố lớn

 

Tiền vẫn chảy vào bất động sản

Sau khi chứng kiến những phiên hoảng loạn của thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đã dịch chuyển dòng vốn sang bất động sản, bởi tâm lý nhà đầu tư vẫn thích giữ tiền an toàn trong tài sản dài hạn. Chưa kể, bất động sản thường có tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều so với các kênh đầu tư khác.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc một công ty chuyên nghiên cứu về thị trường cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư công, triển khai hàng loạt dự án hạ tầng quy mô sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh. Giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn đầu tư công là 2,87 triệu tỷ đồng, hy vọng đạt giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016 – 2020. Hạ tầng phát triển thì bất động sản cũng sẽ được hưởng theo.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động giảm giá sản phẩm bằng cách chiết khấu thẳng vào giá bán, hoặc có phương án hỗ trợ để thu hút sự quan tâm của khách hàng.

“Nhu cầu nhà ở luôn cao, là tiền đề để bất động sản thu hút dòng tiền lớn trong dân”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cũng cho rằng, khi thị trường chứng khoán có biến động tiêu cực, nhà đầu tư tài chính nhiều khả năng quay lại thị trường địa ốc để tìm một bến đỗ an toàn hơn.

“Với nhà đầu tư có dòng vốn lớn, họ có thể chia trứng vào nhiều rổ và khó cưỡng được sức hấp dẫn của bất động sản vì tỷ suất sinh lời cao, ít biến động nhanh theo phiên hoặc theo ngày, đồng thời là một kênh trú ẩn tương đối an toàn”, bà Hương chia sẻ.

Về lại thành phố

Bất động sản là kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền của nhà đầu tư, thế nhưng, bỏ tiền vào khu vực nào lại là quyết định không hề dễ dàng.

Chị Quỳnh Như (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, tháng 4 vừa qua, chị đã “chấm” mua một lô đất tại tỉnh Lâm Đồng và đã đặt cọc 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi làm thủ tục vay tại một ngân hàng thương mại ở TP.HCM để mua, nhân viên ngân hàng thông báo, dư nợ tín dụng của nhà băng này đã chạm trần nên không thể giải ngân được trong tháng 4.

Tương tự, anh Quang Hà (ngụ quận 3, TP.HCM) cũng định đặt mua một sản phẩm nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa. Nhưng sau khi tính toán, anh không dám chốt, bởi nếu mua sản phẩm này anh phải vay thêm ít nhất là 2 tỷ đồng. Trong khi đó, việc vay mua bất động sản ở thời điểm hiện tại rất khó. Đã có không ít nhà đầu tư phải bỏ ngang giao dịch vì nhà băng không giải ngân.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa cho biết, trong thời điểm hiện nay, nhà đầu tư nên hết sức thận trọng khi xuống tiền vào các dự án mang tính đầu cơ, mà không đạt hiệu quả về khai thác. Bởi đối với một số dự án lớn, hiện nay ngân hàng đã ngừng cho vay nên các chủ đầu tư cũng đã thay đổi phương thức thanh toán. Trong khi nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng thì việc ra hàng hay để đầu tư có lời là rất khó.

Trước tình hình này, nhiều nhà đầu tư đã quay lại thành phố để tìm kiếm Nhà phố, nhà mặt tiền thương mại, căn hộ… với giá trị vừa phải để đầu tư. Đặc biệt là những dự án đã bàn giao, có pháp lý an toàn.

Ông Nguyên Vũ, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại TP.HCM cho biết, khi mua sản phẩm trong khu vực thành phố, người mua sẽ tăng khả năng khai thác. Cụ thể, nếu mua dự án ở xa, đa phần là để đấy chờ giá lên, chứ khai thác ngay thì gần như không thể. Nhưng với sản phẩm trong thành phố, có thể cho thuê được ngay để sinh lời, trong khi giá vẫn không ngừng tăng, tuy không đột biến.

Nhiều nhà đầu tư cũng nhận định, giá đất ở các tỉnh có thể tăng nóng, nhưng không bền. Về lâu dài, giá Nhà đất ở khu vực thành phố chỉ có tăng vì các dịch vụ hoàn thiện, dân cư ngày càng có xu hướng về đô thị. Đây cũng là tình trạng đã diễn ra ở các nước trong khu vực hồi thập niên 90 của thế kỷ trước. Khi đó, đất các vùng ven thành phố lớn như Băng Cốc (Thái Lan), Thượng Hải (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản)… bằng khoảng 1/2 giá ở nội thành, nhưng đến nay thì đất nội thành các thành phố này đã đắt gấp cả chục lần vùng ven.

Chớp cơ hội này, doanh nghiệp bất động sản cũng có nhiều hình thức thu hút khách hàng. Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy, hiện nay, nhiều chủ đầu tư dự án đã chủ động giảm giá sản phẩm bằng cách chiết khấu thẳng vào giá bán, hoặc có phương án hỗ trợ để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Chẳng hạn, Tập đoàn Bất động sản An Gia áp dụng chính sách ưu đãi thanh toán cho người mua căn hộ tại Dự án Westgate. Theo đó, khách hàng chỉ cần thanh toán trước 699 triệu đồng là có thể nhận nhà, phần tiền còn lại sẽ được ngân hàng cho vay trong 2 năm không lãi suất.

Hay với Tập đoàn Hongkong Land, chủ đầu tư này cho khách hàng nhận căn hộ trong chung cư The Marq (quận 1) khi thanh toán trước 50% tổng giá trị hợp đồng, phần còn lại sẽ trả trong 18 tháng tiếp theo với lãi suất tối đa 9%/năm cùng ưu đãi ân hạn nợ gốc 18 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, được chiết khấu từ 1,5-4% vào giá bán, được tặng một chỗ đậu ô tô trị giá 300-700 triệu đồng.

Nguồn: Cafeland

Trở lại mục
Cập nhật thị trường
Cập nhật thị trường

Các bài viết đề xuất

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ VIETTIME

Trụ sở: Số 19, tổ 1 Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Số 536 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0931 938 268
Email: viettimeland.ttt@viettimeland.com.vn - Website: www.viettimeland.com.vn
Giấy phép ĐKDN số 0106566927 được cấp ngày 09/06/2014