Cập nhật thị trường

Khách sạn 5 sao im lìm, chán nản chưa buồn mở cửa lại

Hàng loạt khách sạn 5 sao vẫn đóng cửa im lìm trong bối cảnh Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế từ 15/3.

Đóng cửa im lìm

Nằm trên đường Trần Phú (Nha Trang, Khách Hoà), một khách sạn 5 sao vẫn đóng cửa im lìm. Trước thời điểm có dịch, khách sạn này luôn luôn kín phòng. Phần lớn du khách đến nghỉ ở đây từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Khách sạn đã đóng cửa khi lượng khách sụt giảm mạnh do dịch Covid-19.

Sau khi Việt Nam chính thức có phương án mở cửa đón khách quốc tế từ 15/3, nhiều khách sạn 5 sao tại Nha Trang đã rục rịch mở cửa trở lại thì khách sạn này vẫn chưa có động thái gì.

Theo một nhân viên khách sạn, đây chưa phải là thời điểm tốt để kinh doanh trở lại khi lượng khách quốc tế đến còn rất ít. “Để vận hành một khách sạn 5 sao với hàng trăm phòng cần có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó cần có một lượng nhân sự nhất định”, ông cho hay.

 

Khách sạn 5 sao im lìm, chán nản chưa buồn mở cửa lại

 

Nhiều khách sạn vẫn dè dặt mở cửa

Theo khảo sát, nhiều khách sạn của Nha Trang vẫn đóng cửa vì đang trong quá trình rao bán đổi chủ. Các khách sạn rao bán với nhiều mức giá khác nhau, từ 70-80 tỷ đồng/khách sạn bình dân, đến 500-700 tỷ đồng/khách sạn 3-5 sao tại nhiều vị trí vàng của Nha Trang.

Tương tự tại Hà Nội, nhiều khách sạn từ trên các phố Hàng Bông, Hàng Đào, Bát Sứ, Mã Mây,… và một số khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao như Hilton Hanoi Opera vẫn chưa mở cửa đón khách trở lại. Để chuẩn bị, một số khách sạn đang lên kế hoạch sửa chữa, nâng cấp.

“Do chưa có khách nên các khách sạn vẫn buộc phải ‘nằm im’ để tránh phải bù lỗ cho chi phí vận hành”, quản lý một khách sạn cho hay. Khách sạn đều đang trong trạng thái cầm chừng vì chưa nhìn thấy sự tác động từ mở cửa du lịch. Khi bắt đầu nằm bắt được tiềm năng từ việc mở cửa, họ sẽ khởi động bộ máy.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, ảnh hưởng của Covid-19 cũng đã tạo ra sự đào thải trong ngành du lịch. Đây là một quá trình phát triển tự nhiên của bất cứ ngành kinh tế nào, đòi hỏi sự lèo lái của người dẫn đầu mới có thể vượt qua. Những công ty, doanh nghiệp không thể vượt qua được phải chấp nhận.

Giám đốc các công ty du lịch dự báo, phải đến cuối quý III/2022, du khách quốc tế mới đến Việt Nam. Lý do phần lớn khách quốc tế thường phải mất từ 6 tháng đến 1 năm chuẩn bị kế hoạch đi du lịch.

Doanh thu sụt giảm

Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, tại Hà Nội giá thuê phòng bình quân trong năm 2021 tiếp tục giảm xuống còn 95,5 USD/phòng/đêm, giảm 5,7% so với năm 2020 và 19,7% so với năm 2019, thời điểm trước khi có đại dịch. Năm 2021, tỷ lệ lấp đầy của thị trường khách sạn Hà Nội đạt 30,6%, tiếp tục giảm 4,5% so với năm 2020 và 50,6% so với năm 2019.

Thị trường khách sạn 4-5 sao tại Hà Nội vẫn khá yên tĩnh trong năm vừa qua khi thị trường chỉ chào đón một khách sạn 5 sao mới, Capella Hanoi với 47 phòng tại khu vực trung tâm thành phố vào đầu năm. Tính đến hết năm 2021, tổng số phòng đạt 8.407 phòng đến từ 38 dự án.

Hà Nội sắp có thêm một số khách sạn mới như Four Seasons, Wink, Dusit và Fairmont đang trong quá trình xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.

Khách sạn 5 sao im lìm, chán nản chưa buồn mở cửa lại

Khách sạn 5 sao im lìm, chán nản chưa buồn mở cửa lại

Còn tại TP.HCM, giá phòng bình quân chỉ đạt 72,4 USD/phòng/đêm, giảm 20,6% so với cùng kỳ 2020. Xu hướng khách sạn chuyển đổi mô hình thành cơ sở cách ly có trả phí vẫn khá phổ biến, nhờ vậy công suất phòng được cải thiện dần so với giai đoạn mới bùng phát dịch năm 2020. Công suất phòng bình quân năm 2021 đạt 28,5%, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Doanh thu trên phòng cả năm 2021 chỉ đạt 20,3 USD/phòng/đêm, ghi nhận sự sụt giảm 15% so với cùng kỳ.

Dịch bệnh tiếp tục là thách thức lớn với lĩnh vực dịch vụ lưu trú, theo đó, tình hình hoạt động của thị trường khách sạn 4-5 sao tại TP.HCM chưa ghi nhận nhiều thay đổi tích cực. Xu hướng khách sạn chuyển đổi mô hình thành cơ sở cách ly có trả phí vẫn khá phổ biến, nhờ vậy công suất phòng được cải thiện dần so với giai đoạn mới bùng phát dịch năm 2020.

Tính đến hết năm 2021, thị trường khách sạn 4-5 sao tại TP.HCM có tổng cộng 11.182 phòng với 51 dự án. Phân khúc này còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong ngắn – trung hạn, chủ yếu là do mức giá thuê phòng hiện vẫn neo ở mức tương đối thấp.

Thị trường khách sạn 4-5 sao TP.HCM dự kiến sẽ có thêm nguồn cung mới khoảng 2.803 phòng từ 13 dự án, cùng với đó là sự hiện diện của các thương hiệu khách sạn cao cấp mới như Ritz Carlton, Mandarin Oriental, Hotel Indigo, Avani.

Theo CBRE, chính phủ đã ban hành văn bản cho phép TP.HCM được phép đón khách du lịch quốc tế trở lại theo chương trình thử nghiệm ”hộ chiếu vắc xin”. Về độ phủ vắc xin, thành phố đã hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho 100% dân số từ 18 tuổi trở lên và hiện đang tiếp tục triển khai tiêm chủng mũi bổ sung.

Đây là tín hiệu tích cực và đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch từng bước khôi phục và tái khởi động mở cửa du lịch của thành phố. Năm 2022 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường khách sạn 4-5 sao của TP.HCM, theo đó, thị trường sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc trong nửa đầu 2022 và tốc độ phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm.

Nguồn: Cafeland

Trở lại mục
Cập nhật thị trường
Cập nhật thị trường

Các bài viết đề xuất

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ VIETTIME

Trụ sở: Số 19, tổ 1 Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Số 536 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0931 938 268
Email: viettimeland.ttt@viettimeland.com.vn - Website: www.viettimeland.com.vn
Giấy phép ĐKDN số 0106566927 được cấp ngày 09/06/2014