Cập nhật thị trường

Kỳ vọng đô thị dọc sông Sài Gòn

Phát triển hiệu quả hành lang sông Sài Gòn và kênh rạch nội thành sẽ giúp TP.HCM phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trưng độc đáo của đô thị và tiềm năng kinh tế dịch vụ.

Cải tạo hành lang, khai thác kinh tế dịch vụ

Ngày 17.3, TP.HCM chính thức khánh thành công viên bến Bạch Đằng với quy mô chỉnh trang khoảng 1,6 ha. Cùng với quảng trường quanh tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo vừa được cải tạo, bờ sông Sài Gòn khu vực trung tâm TP vừa được khoác lớp áo mới, hiện đại, thoáng mát, đẹp hơn rất nhiều. Đây được coi là bước đi tạo tiền đề cho việc quy hoạch đồng bộ dọc sông Sài Gòn, sau khi TP.HCM phê duyệt đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020 – 2045”.

 

Kỳ vọng đô thị dọc sông Sài Gòn

 

Sau nhiều lần lên kế hoạch quy hoạch đô thị dọc 2 bờ sông Sài Gòn, lãnh đạo TP.HCM đang quyết tâm thực hiện đề án với định hướng từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế, dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh.

Kỳ vọng đô thị dọc sông Sài Gòn

Ven sông Sài Gòn. Ảnh: ĐỨC LONG

Theo đó, TP.HCM sẽ chia sông Sài Gòn ra 2 vùng, gồm vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long (Q.12) và vùng trung – hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn – sông Soài Rạp – Q.7). Dự án được chia theo lộ trình, từ nay đến năm 2025, TP sẽ triển khai chương trình hành động cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn – khu vực trung tâm TP gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ; ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước. Từ năm 2025 – 2045, triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp với hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí, đồng thời hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch tại khu vực dọc sông…

Kỳ vọng đô thị dọc sông Sài GònKhông gian đô thị dọc sông Sài Gòn được kỳ vọng sẽ là động lực giúp TP.HCM bứt phá phát triển kinh tế, dịch vụ… Ảnh: ĐỘC LẬP

“TP sẽ mời các chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm để phát huy hết giá trị của sông Sài Gòn. Làm sao để có được đường bờ sông đẹp từ Q.1 đến Củ Chi phục vụ cho người dân và du khách. Theo đó, tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn không chỉ là không gian sinh hoạt công cộng phục vụ người dân mà còn là điểm nhấn đặc biệt của TP”, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, nhấn mạnh.

Khai phá khối tài sản vô giá

Cho rằng sông Sài Gòn là tài sản vô giá, chuyên gia quy hoạch – kỹ sư Trần Văn Tường đánh giá TP.HCM đã có quy hoạch lộ giới bờ sông để dự kiến làm cảnh quan, nhưng chưa bao giờ đặt vấn đề về phát triển kinh tế. Việc mở rộng công viên Bến Bạch Đằng là cơ hội thuận lợi để TP kết hợp tổ chức lại không gian hai bên bờ sông Sài Gòn có cảnh quan độc đáo và thông suốt từ đầu đến cuối, gắn với tư duy phát triển đô thị.

Kỹ sư Trần Văn Tường phân tích sông Sài Gòn có đặc điểm độc đáo như hình một con rồng lớn đang uốn lượn, len lỏi trong lòng đô thị đi qua nhiều quận, huyện. Hai bên bờ có dải đất rộng lớn ở các vị trí “trắc địa” rất thuận lợi cho việc mở rộng không gian, làm đẹp cảnh quan, giải quyết giao thông và thoát nước…

Từ thế kỷ 20, Sài Gòn đã là một thương cảng hàng đầu vùng Viễn Đông, xuất khẩu 75% lượng hàng hóa cho xứ Đông Dương. Kết nối nhiều địa phương, sông Sài Gòn còn là cửa ngõ ra thế giới. Sài Gòn lúc đó được quy hoạch với nhiều công trình kết nối nổi bật còn tồn tại đến ngày nay như các bến cảng, chợ Bến Thành, Nhà hát lớn, Bưu điện trung tâm, nhà thờ Đức Bà, dinh Độc Lập… Nhiều điểm vui chơi, giải trí, phát triển kinh tế hướng ra sông Sài Gòn. Kênh Lớn (nay là đường phố đi bộ Nguyễn Huệ), kênh Xáng (nay là đường Hàm Nghi) có những khu chợ thông thương và tổ chức các sự kiện quốc tế. Dọc bờ sông Sài Gòn hiện có công viên bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng, cảng Ba Son, Tân Cảng…

Các hoạt động đóng và sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ vận tải giao nhận hàng hóa, thương mại với các hoạt động “trên bến dưới thuyền” đã làm nên trụ cột văn hóa và kinh tế hàng trăm năm trước cho Sài Gòn – TP.HCM. Ngày nay, thuận lợi hơn trong giao thông khi chúng ta có hàng loạt cây cầu Bình Phước, Bình Lợi, Bình Triệu, Sài Gòn, Thủ Thiêm…; Tuyến buýt đường thủy từ Q.1 về P.Linh Đông (TP.Thủ Đức); Cầu Thủ Thiêm 2 sắp hoàn thành… Ngoài ra còn có dấu ấn lịch sử kết nối nhiều di tích với địa điểm văn hóa như các chùa, nhà thờ, khu đô thị Thủ Thiêm, quảng trường Mê Linh.

Nguồn: Cafeland

Trở lại mục
Cập nhật thị trường
Cập nhật thị trường

Các bài viết đề xuất

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ VIETTIME

Trụ sở: Số 19, tổ 1 Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Số 536 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0931 938 268
Email: viettimeland.ttt@viettimeland.com.vn - Website: www.viettimeland.com.vn
Giấy phép ĐKDN số 0106566927 được cấp ngày 09/06/2014