Hai tuần trước, các công ty của Nga vẫn hoạt động buôn bán trên khắp thế giới và nhận đầu tư từ những quỹ nước ngoài. Người dân Nga vẫn có thể mua máy tính MacBook hay xe Toyota ngay trong nước, và tự do tiêu đồng ruble khi ra nước ngoài.
Nhưng giờ đây, họ đang bị “trói tay” về tài chính. Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, một cuộc chiến khác nhằm cô lập nền kinh tế của nước này và gây áp lực lên Điện Kremlin cũng bắt đầu.
Động thái đầu tiên của các chính phủ phương Tây là trừng phạt hệ thống ngân hàng Nga. Không dừng lại ở đó, những nhà băng chủ chốt của Nga cũng bị cấm tham gia vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cắt đứt “huyết mạch” tiền tệ giữa Nga và phần còn lại của thế giới.
Visa và Mastercard đã ngừng xử lý các giao dịch mua bán nước ngoài cho hàng triệu công dân Nga. Apple và Google ngừng hỗ trợ thanh toán qua điện thoại, khiến những du khách không dùng tiền mặt mắc kẹt tại các ga tàu điện ngầm ở Moscow.
Theo Wall Street Journal, việc phương Tây cô lập nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới này đang mở ra một chương mới trong lịch sử xung đột kinh tế. Trong một thế giới phụ thuộc vào dòng chảy hệ thống tài chính, một vài động thái kết hợp cũng có thể gây tê liệt một nền kinh tế lớn.
Một văn phòng thu đổi ngoại tệ đóng cửa ở Moscow. Ảnh: Wall Street Journal.
Thời kỳ hoàng kim đã chấm dứt
Đến nay, đồng ruble mất hơn 1/4 giá trị và hiện hầu như vô dụng bên ngoài Nga, trong khi các công ty phương Tây từ chối trao đổi hoặc xử lý các giao dịch ở nước ngoài.
Sàn giao dịch chứng khoán của Moscow đã đóng cửa gần một tuần, khi nhà chức trách nỗ lực ngăn chặn tình trạng tài sản trong nước chảy ra nước ngoài. Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất để thu hút đầu tư và ngăn chặn đồng ruble sụp đổ.
Tuy nhiên, bước đi thực sự lớn của phương Tây chính là việc nhắm đến thể chế trung tâm của “pháo đài kinh tế” Nga – Ngân hàng Trung ương. Phương Tây đang ngăn ngân hàng này sử dụng lượng lớn dự trữ ngoại hối để bảo vệ nền kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Nga có thể mất khả năng cung cấp thanh khoản ngoại tệ cho các ngân hàng đang bị trừng phạt, làm tăng nguy cơ vỡ nợ do không đáp ứng được nghĩa vụ về ngoại tệ với các đối tác.
Họ cũng sẽ không thể đóng vai trò trung gian cho các ngân hàng trên, cụ thể là thay mặt các ngân hàng thực hiện, hoặc nhận các khoản thanh toán của các đối tác nước ngoài – vốn là cách để né tránh các lệnh trừng phạt trên lý thuyết.
Các lệnh trừng phạt đã phong tỏa gần 1.000 tỷ USD tài sản của Nga – quy mô được đánh giá là “chưa từng có”.
Các nhà phân tích dự đoán nền kinh tế Nga sẽ giảm tới 20% trong quý này, gần bằng mức ảnh hưởng mà nền kinh tế Anh phải hứng chịu vào mùa xuân năm 2020 trong thời kỳ đóng cửa vì đại dịch Covid-19.
Aleksandr Iurev rời Moscow 8 năm trước với tham vọng trở thành một doanh nhân thành đạt. Tuy nhiên, sự thiếu thiện cảm với Nga ngày càng gia tăng khiến “những người kinh doanh không còn chỗ”, anh nói từ nhà của mình ở New Jersey, Mỹ.
Người đàn ông 36 tuổi hiện điều hành một công ty khởi nghiệp ứng dụng di động. Nhưng trong tuần này, anh không thể trả lương cho 6 nhà phát triển ở Nga, vì họ mở tài khoản tại các ngân hàng bị trừng phạt.
“Nó hoàn toàn bị đóng băng”, anh nói và cho biết đang xem xét sử dụng tiền điện tử làm phương án thay thế.
Aleksandr Iurev đang tìm cách trả lương cho nhân viên của mình ở Nga. Ảnh: Wall Street Journal.
Một “huyết mạch” duy nhất vẫn kết nối nền kinh tế Nga với các thị trường phương Tây là nguồn cung cấp năng lượng – thứ mà các nước châu Âu phụ thuộc và không muốn bị cắt đứt, đặc biệt trong mùa đông.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ đang gây sức ép buộc Nhà Trắng mở rộng các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả các khoản thanh toán năng lượng, nhằm làm mất đi nguồn thu nhập lớn nhất của Nga. Vào năm 2021, Nga đã kiếm được 240 tỷ USD từ nguồn thu này.
Ngay cả khi các chính phủ không hành động, thị trường đang lên tiếng. Các nhà sản xuất dầu thô của Nga gặp khó khăn trong việc tìm người mua hàng, bởi nhiều người lo ngại về sức ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt.
“Thời kỳ hoàng kim mà chúng ta có từ năm 1945 đã kết thúc vào tuần trước”, Gary Greenberg, người đứng đầu các thị trường mới nổi toàn cầu tại Federated Hermes, công ty quản lý tài sản 669 tỷ USD, cho biết. “Với tư cách là các nhà đầu tư, chúng ta cần phải nhìn nhận mọi thứ theo cách khác ngay bây giờ”.
Thế khó của Nga
Sau khi nền kinh tế hồi phục năm 1998, Nga “gắn” mình vào nền kinh tế toàn cầu. Nước này cùng với Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ – được các nhà đầu tư phương Tây mệnh danh là nhóm các nền kinh tế đang nổi lên (BRIC) – trở thành biên giới tài chính tiếp theo.
Tuy nhiên, những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự “tách biệt” xuất hiện vào năm 2014, khi tham vọng của ông Putin bắt đầu manh nha. Phương Tây đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea.
VTB, một trong những ngân hàng lớn nhất của Nga, bị Mỹ trừng phạt. Ảnh: Wall Street Journal.
Nga cũng dần chuyển các tài sản ngoại hối từ Mỹ và các đồng minh châu Âu sang Trung Quốc. Nước này cũng tăng gấp đôi lượng vàng dự trữ.Trong bối cảnh đó, Moscow bắt đầu xây dựng mạng lưới thanh toán nội địa của riêng mình – được gọi là Mir, tiếng Nga có nghĩa là “hòa bình”. Nếu cần, nó sẽ thay thế những mạng lưới do các công ty phương Tây điều hành.
Dù vậy, những nỗ lực đó có thể không đủ. Ít nhất 40% trong tổng số 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga nằm ở các quốc gia đã tham gia vào lệnh trừng phạt mới nhất.
Bên cạnh đó Nga – giống như nhiều quốc gia giàu năng lượng – xuất khẩu dầu, khí đốt và nhập khẩu nhiều mặt hàng khác như phụ tùng ôtô, thuốc, thiết bị phát sóng cho đến giấy dán tường, rau tươi…
Các hoạt động thương mại quốc tế phụ thuộc vào một mạng lưới phức tạp, bao gồm các khoản vay, chính sách bảo hiểm và thanh toán.
Tuy nhiên, các công ty quốc tế đang tạm ngừng cung cấp tín dụng và bảo hiểm làm cơ sở cho các chuyến hàng thương mại. Họ cũng cảnh giác với nguy cơ đối tác sử dụng ngân hàng Nga hoặc có quan hệ với các nhà tài phiệt bị trừng phạt.
Czarnikow Group, một công ty tài trợ thương mại – đóng vai trò là trung gian thanh toán giữa người mua và người bán – có trụ sở tại London, đã chuẩn bị để gửi một lô hàng nhựa đặc biệt tới Nga và Ukraine. Đầu tuần này, công ty nhận được thông báo từ nhà cung cấp bảo hiểm rằng con tàu của họ không còn nằm trong chính sách.
“Rõ ràng là chúng tôi không thể đưa tàu vào”, Robin Cave, Giám đốc điều hành của Czarnikow, nói. Ông cho biết đang thảo luận với khách hàng để tìm kiếm các cảng thay thế.
Nguồn: Cafeland
Đội ngũ VIETTIMELAND cung cấp những dịch vụ chuyên môn từ nghiên cứu, tư vấn tài chính & đầu tư cho đến dịch vụ môi giới và quản lí bất động sản.
Trụ sở: Số 19, tổ 1 Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Số 536 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0931 938 268
Email: viettimeland.ttt@viettimeland.com.vn - Website: www.viettimeland.com.vn
Giấy phép ĐKDN số 0106566927 được cấp ngày 09/06/2014