Ngành ngân hàng được ví như đang giải “bài toán” chưa có tiền lệ về hỗ trợ tín dụng thời Covid-19. Doanh nghiệp, người dân, giới chuyên gia đều kỳ vọng sự thiết thực từ chính sách này.
Doanh nghiệp: Chúng tôi vẫn đang chờ đợi
Ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14 sửa đổi Thông tư 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Gần 10 ngày sau khi Thông tư có hiệu lực, không ít doanh nghiệp đang trong trạng thái khấp khởi, chờ đợi để tiếp cận với những hỗ trợ nhằm giảm bớt áp lực về tài chính.
Theo chuyên gia, vấn đề quan trọng nhất là đưa các cơ chế chính sách hỗ trợ tại Thông tư 14 sớm đi vào cuộc sống.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10, cho biết đã liên hệ nhưng phía ngân hàng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai chính sách này.
“Ngân hàng Nhà nước đã ra thông tư nhưng có vẻ như việc triển khai từ các ngân hàng vẫn còn chậm, có độ trễ. Trong bối cảnh đặc biệt khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp rất mong việc triển khai được thực hiện nhanh chóng hơn”, ông Việt chia sẻ với Dân trí.
Cũng theo vị này, năm ngoái, doanh nghiệp cũng đã tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất có giảm so trước thời điểm Covid-19. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn kiến nghị hạ thêm lãi suất và các loại phí, giảm áp lực về tài chính trong bối cảnh khó khăn vì Covid-19.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Sunpla, cũng lo ngại việc triển khai khó nhanh chóng được trong khi rất nhiều doanh nghiệp ngóng trông chính sách này.
Đối với các khoản vay ngắn hạn năm ngoái, ông Cường cho biết, công ty ông vẫn vay mức lãi suất 8,5-9%/năm, có thấp hơn một chút nhưng không đáng kể.
Nỗi niềm nêu trên không chỉ riêng một doanh nghiệp nào. Thực tế thời gian qua, các ngân hàng có giảm lãi vay theo Thông tư 01 nhưng điểm % giảm còn nhỏ nên khi Thông tư 14 có hiệu lực, các doanh nghiệp kỳ vọng ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ nhiều hơn.
Mới đây, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, tiếp tục giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm. Theo số liệu được các ngân hàng công bố, 6 tháng đầu năm rất nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng cao so cùng kỳ năm 2020, trong khi các doanh nghiệp đang rất khó khăn.
Ngoài cơ cấu lại nợ, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ cấp tín dụng mới để có tiền chi trả các khoản đầu vào, chuẩn bị phục hồi sản xuất. Bởi lẽ, việc tiếp cận vốn tín dụng mới sau khi đã được cơ cấu nợ cũng rất khó khăn vì tài sản đã thế chấp gần hết. Nhiều doanh nghiệp không còn gì để thế chấp vay tiếp.
Là một trong những ngành chịu khó khăn nặng nề nhất sau 4 lần bùng phát đại dịch, các doanh nghiệp vận tải cũng mong sớm có thể tiếp cận được những hỗ trợ về lãi vay, giãn hoãn các khoản nợ…
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), cho biết, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 14 về việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Theo nội dung Thông tư này thì các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhưng tại khoản 7, điều 4 Thông tư này lại quy định: “Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc kể từ ngày đến hạn của từng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ”.
“Đại dịch Covid-19 tại Việt Nam từ đầu năm 2020, đến nay đã gần 2 năm và hiện nay vẫn còn diễn biến rất phức tạp, hiện còn rất nhiều các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, do ảnh hưởng của đại dịch nên hầu như các doanh nghiệp cũng đã thực hiện cơ cấu đủ 12 tháng rồi. Nay Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước quy định như vậy thì sẽ khiến các doanh nghiệp không được cơ cấu tiếp nữa, trong bối cảnh doanh nghiệp đang dừng hoạt động không có doanh thu sẽ dẫn đến phá sản.
Khách cá nhân cũng ngóng chờ
Chị N.V (Cầu Diễn, Hà Nội) cho biết, tháng 6/2020, chị vay Techcombank 1,4 tỷ đồng để mua nhà. Theo hợp đồng, chị sẽ phải trả tiền lãi, tiền gốc mua nhà trong vòng 20 năm với lãi suất năm đầu tiên khoảng 6,8%/năm, sau đó, lãi suất sẽ điều chỉnh theo thị trường.
“Đến tháng 6 năm nay là nhà tôi hết lãi suất ưu đãi trong năm đầu tiên. Còn hiện tại, tôi đang phải trả lãi suất 11,09%/năm, hạn trả hàng tháng là ngày 15. Tính cả lãi, cả gốc thì mỗi tháng nhà tôi phải trả 17,5 – 18,7 triệu đồng”, chị kể.
Chị N.V cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh của vợ chồng chị gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm sút. Chị đã gọi điện đến ngân hàng hỏi về việc khách hàng có được giảm lãi suất trong thời gian tới hay không. “Tôi đã gọi cho bạn nhân viên ngân hàng, người làm hồ sơ vay vốn cho tôi thì bạn ấy bảo rằng hiện nay ngân hàng chỉ có chính sách hoãn giãn nợ cho khách, còn chưa có thông báo về việc giảm lãi suất”.
Năm 2015, vợ chồng chị P.V.K (Hà Nội) vay TPBank 500 triệu đồng để mua nhà trong vòng 15 năm. Đây là gói vay dành cho người thu nhập thấp nên chị được hưởng mức lãi suất 5%/năm.
“Tuy nhiên, gần 2 tháng nay, vợ chồng tôi phải nghỉ làm ở nhà trong khi khoản nợ ngân hàng vẫn trả đều. Nếu như không có dịch Covid-19, chúng tôi còn xoay xở được, giờ dịch ập đến, chúng tôi không có thu nhập thì khoản nợ này thực sự là một áp lực”, chị tâm sự.
Sau khi gọi điện đến Vietcombank, anh N.C.D (Hà Nội) được thông báo, khoản vay của anh không thuộc diện được giảm lãi suất trong đợt này. Lý do là khoản vay mua nhà của anh tính từ tháng 12/2020 đang được ưu đãi với lãi suất 8,2%/năm trong vòng 24 tháng.
“Nhà tôi vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng để mua nhà với thời hạn là 20 năm. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi cũng không thấy bên ngân hàng thông báo gì về việc giãn hoãn nợ hay giảm lãi suất. Mới đây, tôi có hỏi thì họ bảo rằng, khoản vay của tôi không nằm trong diện được giảm lãi suất trong đợt này”, anh D. nói.
Chuyên gia lo ngân hàng “giảm cho có”
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng so với quy định cũ, Thông tư 14 có một số điểm cần lưu ý. Cụ thể, đó là phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí bao gồm cả khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8. Thời gian cơ cấu nợ được kéo dài đến ngày 30/6/2022.
“Các mốc thời gian này không hợp lý lắm. Vì thực ra thời điểm hiện nay dịch vẫn còn đang chưa được khống chế. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn đóng cửa, tạm dừng vì giãn cách. Đối với những khoản vay sau ngày 1/8 thì lại không được tính. Và thời gian đến 30/6/2022 dường như quá ngắn, doanh nghiệp cũng chưa hồi kịp mà trả nợ vay”, ông Thịnh băn khoăn.
Vị chuyên gia cũng đề nghị mức giảm lãi suất nên được cụ thể hóa, chi tiết. Nếu không chi tiết dễ dẫn đến tình trạng khó khăn trong cách tiếp cận của doanh nghiệp. Ông Thịnh lo ngại câu chuyện “giảm cho có” đối với nhiều ngân hàng do thực ra các ngân hàng cũng là doanh nghiệp phải hoạt động với mục tiêu về lợi nhuận.
“Vấn đề quan trọng nhất là đưa các cơ chế chính sách hỗ trợ đó sớm đi vào cuộc sống. Cần rút ngắn khoảng cách sự hỗ trợ từ chính sách và thực tiễn, đơn giản tối đa các thủ tục, tăng tính dễ tiếp cận, giúp người dân, doanh nghiệp hồi phục và phát triển, tránh chuyện doanh nghiệp, người dân khó khăn thực sự nhưng không thể tiếp cận nổi hỗ trợ”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Còn theo TS. Quách Mạnh Hào – chuyên gia về ngân hàng – tài chính, sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam – Anh quốc tại Đại học Lincoln (Anh), các hoạt động kinh tế rõ ràng bị gián đoạn bởi giãn cách và phong tỏa.
“Hiện tại có nhiều doanh nghiệp mong muốn thà lãi suất cao hơn một chút mà họ được vay hỗ trợ còn hơn lãi suất thấp mà họ lại không được vay hoặc vay không đủ. Vấn đề không nằm ở lãi suất mà nằm ở chỗ tiền có đến tay họ hay không để chống chọi với khó khăn. Nếu không, tiền sẽ chảy vào các kênh tài sản, tạo ra ảo ảnh giá trị”, ông Hào nói.
Nguyễn Khánh – Hoàng Dung
Đội ngũ VIETTIMELAND cung cấp những dịch vụ chuyên môn từ nghiên cứu, tư vấn tài chính & đầu tư cho đến dịch vụ môi giới và quản lí bất động sản.
Trụ sở: Số 19, tổ 1 Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Số 536 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0931 938 268
Email: viettimeland.ttt@viettimeland.com.vn - Website: www.viettimeland.com.vn
Giấy phép ĐKDN số 0106566927 được cấp ngày 09/06/2014