Ngân hàng thương mại có thể bỏ ưu đãi cho vay mua nhà xã hội
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 25 trong đó có một đề xuất khách hàng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không nằm trong nhóm được hưởng chính sách ưu đãi tại các ngân hàng thương mại. Chỉ người vay vốn để đầu tư, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội mới nhận được hỗ trợ.
Ngân hàng Nhà nước giải thích, việc thay đổi nhằm áp dụng đúng quy định về vấn đề này. Cụ thể, Luật Nhà ở quy định các chính sách hỗ trợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Còn các ngân hàng thương mại được chỉ định chỉ hỗ trợ khách vay để xây mới, cải tạo, sửa nhà để ở, không có chính sách hỗ trợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước cho biết, nếu các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, văn bản nào có tính pháp lý cao hơn sẽ được áp dụng. Do vậy, với tình huống này phải áp dụng Luật Nhà ở, tức là các ngân hàng thương mại chỉ hỗ trợ vay xây mới, cải tạo, sửa nhà để ở. Còn nếu muốn vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội, người vay cần tìm đến Ngân hàng Chính sách xã hội.
Người mua nhà ở xã hội có chịu thiệt?
Nhiều chuyên gia đã có ý kiến cho rằng việc loại trừ hoàn toàn đối tượng người dân vay mua, thuê nhà ở xã hội khỏi nhóm ưu đãi lãi suất ở khối ngân hàng thương mại là quy định rất cần được xem xét toàn diện. Nhìn lại câu chuyện vốn cho nhà ở xã hội thời gian qua, theo phân tích của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, trong 5 năm qua, tất cả các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã phải vay thương mại với lãi suất khoảng 9%/năm và chi phí này được tính vào giá bán, giá cho thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội. Dẫn đến đơn giá nhà ở xã hội lên đến khoảng 18-20 triệu đồng/m2, tăng cao so với đơn giá 13-15 triệu đồng/m2 trong giai đoạn 2011-2015.
Nguyên nhân, theo ông Châu là vì việc chưa bố trí được đủ nguồn “vốn mồi” từ ngân sách nhà nước để tái cấp vốn, hoặc cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định, là một trong ba nguyên nhân chủ yếu, dẫn đến không thực hiện được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015-2020, chỉ đạt 42% kế hoạch đề ra. Người mua, thuê mua nhà ở xã hội gần như không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Ngoài ra, do tác động của đại dịch COVID-19 và do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất áp dụng một mức lãi suất 4,8%/năm cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, nên Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho tạm dừng thực hiện quy định phải gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội để được vay vốn ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trước mắt áp dụng cho năm 2021 và có thể xem xét kéo dài thêm thời gian tạm dừng, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
TS Nguyễn Duy Phương, chuyên gia tài chính của Quỹ đầu tư DG Investment cho rằng rất nhiều người nghèo đang muốn mua nhà ở xã hội nhưng khó khăn về nguồn vốn. Tuy nhiên, họ không dễ tiếp cận vốn vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội khi các quy định có phần cứng nhắc. Nên chăng cần có sự đánh giá xem xét lại về quy định hồ sơ xét điều kiện mua nhà ở cũng như xét vay để mua, thuê nhà ở xã hội nhằm tránh việc tháo chỗ này thắt chỗ khác và người nghèo vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi để mua nhà ở xã hội.