Các chuyên gia cho rằng những vướng mắc về chính sách đang dần được tháo gỡ để thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.
Tại hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản sau dịch Covid-19” do báo Tiền Phong tổ chức, các chuyên gia cho biết có nhiều yếu tố để tin tưởng vào sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản trong giai đoạn tới, đặc biệt là các “đòn bẩy” về mặt chính sách.
Trong thời gian vừa qua, nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã được ban hành. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ).
Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), từ năm 2020, thị trường bất động sản đã chịu nhiều ảnh hưởng, tác động từ đại dịch Covid-19.
Để ổn định thị trường, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị và các công cụ điều tiết như tín dụng, thuế, quy hoạch…
Do vậy, thị trường tuy có suy giảm nhưng không rơi vào trạng thái “trầm lắng”, “đóng băng” toàn diện mà chỉ giảm phát so với các năm trước, ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê…
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, bất động sản như: Nghị định 06 về quản lý chất lượng; Nghị định 09 quản lý vật liệu xây dựng; Nghị định 49/2021 ngày 1/4 tháo gỡ khó khăn, đơn giản thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội; Nghị định 69/2021 ngày 15/7 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…
Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội đưa vào chương trình để thông qua trong năm 2023 (sớm hơn một năm so với kế hoạch).
Đặc biệt, vừa qua Bộ Xây dựng đã đề xuất đưa gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội 65.000 tỷ đồng vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế – xã hội sau dịch Covid-19.
Trong đó, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025: Gồm 14.000 tỷ đồng cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định và 1.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất để các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định để cho các đối tượng là các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.
Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng sẽ theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng vay ưu đãi như công nhân người lao động trong các khu công nghiệp, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội…
Ông Vương Duy Dũng, Trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản (Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng) cũng bày tỏ quan điểm tin tưởng vào sự phục hồi của thị trường, nhờ cánh tay đắc lực của chính sách.
“Tôi cho rằng, chưa có giai đoạn nào các chính sách, cơ chế để tháo gỡ khó khăn liên quan đến bất động sản lại được nghiên cứu và ban hành nhanh chóng như vậy. Do đó, có cơ sở để tin tưởng rằng thị trường bất động sản đang được hỗ trợ để vượt qua khó khăn…”
Thực tế, qua tổng hợp số liệu của các địa phương về thị trường bất động sản quý III, Bộ Xây dựng nhận thấy thị trường đã có sự giảm phát rất rõ so với hai quý đầu năm. Tuy nhiên, mức độ giảm phát không đồng đều giữa các địa phương mà phụ thuộc vào từng khu vực cụ thể. Ông Dũng nhận định, đây chỉ là giảm phát ngắn hạn do tác động của dịch bệnh, không có dấu hiệu giảm phát do cung cầu.
Hiện Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trên cơ sở này, các địa phương cũng căn cứ để xây dựng chiến lược cụ thể trên từng địa bàn. Từ đó, thị trường sẽ phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, dư thừa như các quốc gia khác.
“Chúng tôi luôn lắng nghe, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về chính sách để kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp, cũng như thị trường”, ông Dũng khẳng định.
Trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản cũng nêu quan điểm, để thị trường phát triển, các hoạt động đầu tư kinh doanh hồi phục trở lại thì bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, cần có sự kết hợp từ các phía như doanh nghiệp, nhà đầu tư, các hiệp hội và các cơ quan báo chí truyền thông.
Nguồn: Sưu tầm
Đội ngũ VIETTIMELAND cung cấp những dịch vụ chuyên môn từ nghiên cứu, tư vấn tài chính & đầu tư cho đến dịch vụ môi giới và quản lí bất động sản.
Trụ sở: Số 19, tổ 1 Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Số 536 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội
Hotline: 0931 938 268
Email: viettimeland.ttt@viettimeland.com.vn - Website: www.viettimeland.com.vn
Giấy phép ĐKDN số 0106566927 được cấp ngày 09/06/2014