Đất nền Đồng Trúc sau hơn một năm “dậy sóng”
Tại thời điểm đó, thôn Đồng Táng, xã Đồng Trúc, hàng chục, thậm chí cả trăm người kéo về tìm mua đất khiến chính quyền địa phương từng phải dán cảnh báo, tuyên truyền về những nguy cơ nhà đầu tư có thể gặp phải.
Xe ôtô nối đuôi nhau len lỏi về tận đầu thôn, ngõ xóm để săn lùng mua đất. Chỉ trong vài tuần, giá đất Đồng Trúc đã tăng gấp đôi, thậm chí, có thời điểm tăng tới 300%.
Đơn cử, tại một số thôn Quan Giai, Đồng Táng, trong nửa tháng, giá đất mặt ngõ đã tăng từ 3 – 7 triệu đồng/m2 lên 10 – 18 triệu đồng/m2, trong khi giá đất mặt đường tăng từ 7 – 12 triệu đồng/m2 lên trên 17 – 18 triệu đồng/m2. Có chủ đất “hét giá” lên tới trên 20 triệu đồng/m2.
Hơn một năm sau khi “dậy sóng”, thời điểm này đất nền ở khu vực Đồng Trúc lại dần trở nên im lìm, không còn bóng dáng nhân viên môi giới, chỉ lác đáng người dân đi chăn bò, làm đồng.
Trao đổi với Lao Động, anh Thịnh – một người dân ở thôn Đồng Táng (xã Đồng Trúc) chia sẻ, thời điểm sốt đất còn có nhiều “cò” còn tìm về tận gia đình chủ đất để thương lượng. Họ đặt vấn đề nếu giới thiệu được khách, đứng ra làm thủ tục chuyển nhượng thì “cắt” phần trăm chứ thực tế “cò” không có đất ở đó.
Một số nhà đầu tư ít kinh nghiệm, nghe những lời “tâng bốc” lên trời của “cò đất” chi tiền đậm để “ôm” đất, bây giờ rất ít người bán được. Một số nhà đầu tư vốn ít buộc phải cắt lỗ sâu để rút khỏi thị trường, tuy nhiên vào thời điểm này chưa chắc đã có người mua.
“Vào thời điểm “hot” nhất, mọi giao dịch mua bán, đặt cọc trao tay đều là chiêu trò của một nhóm “cò” đất có mục đích “thổi” giá trị lên càng cao càng tốt. Giao dịch tưởng thật, nhưng chưa chắc đã là thật”, anh Thịnh nói.
“Ôm” nợ vì “sốt” đất
Ghi nhận của phóng viên Lao Động, tại khu vực cánh đồng thôn Đồng Táng vẫn còn nhiều dòng chữ ghi số điện thoại của những người bán đất, nhưng dấu vôi đã mờ. Những lô đất được phân chia bởi các hàng gạch ống đất nung – bây giờ cỏ mọc um tùm, cao quá đầu người.
Bà Thảo chia sẻ: “Lâu nay không thấy ai đến hỏi han về đất cát nữa. Mà có đến thì chính quyền địa phương cũng không cho vào vì những ngày qua, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
“Năm ngoái, khi đất Đồng Trúc “sốt”, giá lên như diều gặp gió, tôi biết có những người phải vay ngân hàng để “ôm” đất, mong bán sang tay để hưởng tiền chênh.
Tuy nhiên, so với nhiều cơn sốt khác, “sốt” đất Đồng Trúc đến bất ngờ và đi cũng nhanh, chỉ khoảng hơn 1 tháng là hết, nên đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa bán được đất, trong khi tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả đều”, bà Thảo cho hay.
Sở dĩ đất ở Đồng Trúc “sốt” trong thời gian vừa qua là vì có thông tin tập đoàn lớn đầu tư dự án ở Hòa Lạc. Ngoài ra cuối tháng 5.2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỉ lệ 1/10.000 khiến cơn sốt đất tiếp tục được đẩy lên cao. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dự án nào được thực hiện ở đây.
Nhận định về cơn “sốt” bất động sản vùng ven, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam – cho rằng, cơn “sốt” đất thời gian vừa qua đã “xẹp” ở phân khúc đất mua bán đất vườn đồi, đất canh tác phân lô.
Trước đây, không ít nhà đầu tư kém hiểu biết về pháp luật tham gia vào thị trường này gây ra sự hỗn loạn và có hệ quả không tốt. Thế nhưng, khi chính quyền địa phương vào cuộc kiểm soát các hoạt động này thì chính họ lại là những người chịu hậu quả nặng nề.